Lễ hội Hết Chá của người Thái trắng Mộc Châu

Từ thời xa xưa, dưới chế độ đế quốc phong kiến, dân nghèo ốm đau không có thuốc thang chữa trị, chăm sóc, cơ cực cam chịu sự khó khăn nghèo nàn đôi khi chỉ hy vọng vào số phận; Nhưng với ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết đồng tâm cộng khổ trong khó khăn, ốm đau bệnh tật; Ai biết lấy thuốc nam thì dùng cây thuốc nam để chữa trị, ai biết cúng thì cúng để giải tỏa về tinh thần. Khi đó Thầy cúng (Mọ Mun) cúng chữa bệnh cho nhân dân, những người được thầy cúng cho khỏi bệnh thì được thầy cúng nhận làm con nuôi. Theo phong tục, trước tết âm lịch, các con nuôi mang lễ đến tạ ơn thầy cúng. Nhưng vì công việc gần tết bận rộn, thầy cúng chưa tổ chức ăn tết sum họp các con nuôi được, phải qua tết mới tổ chức ăn tết, thông qua việc tổ chức lễ hội Hết Chá, đó là dịp thầy cúng, các con nuôi và dân bản gặp gỡ nhau, cùng vui chơi.

Lễ hội Hết Chá của người Thái bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã có từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ. Đến năm 1964, Đế quốc Mỹ phát động chiến tranh bằng không quân bắn phá miền Bắc, nhân dân phải sơ tán vào lũng, do điều kiện kinh tế, nhân lực phải tập chung cho Miền Nam đánh Mỹ; Các nghệ nhân tuổi đã cao, sức yếu, trai làng lên đường tòng quân nhập ngũ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, vì vậy lễ hội Hết Chá bị thất truyền.

Lễ hội Hết Chá của người Thái trắng, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa cho khỏi bệnh, lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống, đoàn kết xây dựng bản làng, cầu cho người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu…

Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, thời điểm nông nhàn, đây là dịp để người dân tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống.

Lễ hội là hoạt động tín ngưỡng dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân. Việc phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Mộc Châu.

Lễ hội Hết Chá là một hình thức sinh hoạt văn hóa có ý thức gắn kết cộng đồng bản làng. Là một nghi lễ mang tính tâm linh, là niềm tin của người đốivới cuộc sống, với thiên nhiên.

Lễ hội thể hiện tính nhân văn, tôn vinh thầy thuốc với những nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ người đã chữa khỏi bệnh cho người dân, bản làng, các gia đình...để cuộc sống nhân dân được yên bình.

Lễ hội Hết Chá của người Thái bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được gia đình thầy thuốc, thầy cúng đứng ra tổ chức mỗi năm một lần do, lễ hội gặp mặt dân bản, các con nuôi đến tạ ơn thầy cúng, trai gái trong bản cùng nhau đến giúp việc "Hết chá".

Diễn biến của Lễ hội.

Thầy cúng thấy thời tiết đẹp, ngày lành như ý, thông báo cho các con nuôi, gia đình họ hàng các vùng bằng hình thức truyền miệng về tình hình sức khỏe của thầy cúng, thời gian làm lễ hội để các con nuôi chuẩn bị lễ và sắp xếp thời gian về dự Lễ hội Hết chá.

Để tổ chức lễ hội thành công, việc làm cây nêu rất quan trọng, người ta phải làm từ trước đó khoảng 15 ngày. Việc làm cây nêu do những người trong đội Hết Chá cùng làm, đàn ông lên rừng chặt tre, lấy cây giang già mang về chẻ nan. Phụ nữ ghép trống, đẽo thuyền, đan các con vật: ve, ếch, chim...rồi nhuộm màu đỏ, vàng, xanh để treo lên cây nêu. Cây nêu được dựng lên trước khi tổ chức lễ hội một ngày. Cây nêu được làm bằng cây tre bương già to, dài 3m, không bị sâu bệnh. Dưới gốc cây nêu người ta ghép 4 thanh gỗ làm thành chân đế, đan 4 phên xếp thành hình vuông và quây vải khít màu đỏ, bên cạnh đó đặt 2 chum rượu cần, 01 nồi to đựng nước và một chiếc sừng trâu đục lỗ để đong nước vào chum rượu cần. Trên thân tre đục 5 tầng lỗ dùng để cắm những nhánh tre dài chừng 80cm - 1,2m treo các loại hoa, chim muông, con ve sầu đan bằng lạt nhuộm nhiều màu sặc sỡ xếp từng chùm để vào sát cây nêu, chùm bên ngoài có các thanh tre dài khoảng 1,2m vót tròn uốn cong thành chùm buộc chỉ vào đầu que tre để treo các loại trống, thuyền, quả còn tượng trưng, ngoài ra còn rất nhiều loại được đan bằng lạt hoặc đẽo bằng gỗ tượng trưng cho các loại muông thú trong rừng như: Ếch, nhái, ve sầu, cua, chim, sóc, trống, thuyền...Tất cả những chi tiết này tạo nên cây nêu sum suê nhiều màu sắc rực rỡ. Cây nêu được đặt ở trung tâm của một khu vực đất trống, thuận lợi cho đội múa xòe quanh cây nêu và nhiều trò chơi dân gian diễn ra ngay tại địa điểm này.

Thầy cúng cùng các con nuôi chuẩn bị mâm lễ.

Phần lễ:

Ngày chính hội, thầy cúng và các thầy mo bắt đầu làm thủ tục cúng thổ thần, thần linh tại địa điểm diễn ra lễ hội. Thầy cúng bắt đầu hát Chá để giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về công việc Hết Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn tổ tiên sư phụ phù hộ để công việc xuôn sẻ và hát bài "Xên Chá" bằng một làn điệu riêng để mời sư phụ truyền dạy đã khuất "Phị mun" từ trên trời xuống trần gian chứng kiến công việc. Để cúng cho Hết Chá, thầy cúng cần cúng và đọc 10 bài có nội dung khác nhau nhưng chung một chủ đề: Mời sư phụ trên trời xuống trần gian xem con người ăn ở, làm việc và cư xử với nhau như thế nào? Để răn dạy con người từ cách làm ăn, đối nhân sử thế, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, cùng vui với những niềm vui chung của bản mường. Tất cả lời thơ đều chau chuốt, mượt mà.

Hát xong lời mời sư phụ, thầy mo đốt một cây nến to cắm vào ngọn kiếm, tay cầm quạt, vác kiếm đứng dậy đi về bên mâm lễ mặn, giơ kiếm gắn nến soi một vòng quanh cây xẳng chá để kiểm tra còn thiếu thứ gì không, hài lòng với mâm lễ mặn, ông quay về mâm lễ ngồi niệm bài chú. Thầy cúng nhập tâm, thoát xác "đi lên trời" mời sư phụ xuống nhập vào 2 ông "Lãm" hai ông "Lãm" bắt đầu diễn các trò hề vui nhộn và trò chơi dân gian.

Thầy cúng ra hiệu cho đội nhạc công nổi nhạc tắng bụ: Khùm Khùm Khùm khắc, Khùm Khùm Khùm khắc theo nhịp 2/4. Hai ông "Lãm" bắt đầu nhảy theo nhịp đấu kiếm, 1 ông hề tay cầm mẹt đập theo nhịp "Tắng bụ" ra cổ vũ. Hết đấu kiếm ông "Lãm" cầm lấy khăn nhảy qua xẳng chá ném cho các đôi trai gái từng lượt nhảy múa theo nhịp "Tắng bụ" quanh "Xẳng chá" gọi là xoè chá 3 vòng.

Thầy cúng dẫn sư phụ của mình đi duyệt "Xẳng chá", vừa đi vừa vác kiếm theo nhịp "Tắng bụ" đến gốc cây xẳng Chá dừng lại uống rượu cần, xem qua và rất hài lòng.

Thầy cúng nhận quà của con nuôi

Vào ngày lễ, con nuôi ở khắp nơi bản trên mường dưới lần lượt đến tặng quà "Sống chướng liểng" nhân dịp Bố nuôi làm Hết chá. Quà của con nuôi gồm có: Gạo, gà, cá nướng, gói xôi, quả trứng, rượu trắng….Ai có thứ gì thì mang thứ đó.

Thầy cúng hát gọi vía con nuôi về nhà

Thầy cúng hát chá với giọng điệu riêng vui nhộn, lúc thì du dương sâu lắng rạo rực có đệm thêm sáo mo "Pí mun", sáo được làm bằng ống nứa nhỏ.

Phần hội: được diễn ra ngay sau khi phần lễ kết thúc, gồm có 3 phần được chuẩn bị cẩn thận, nội dung mang tính nhân văn dí dỏm có tính giáo dục cao, gây cười, được nhiều người yêu thích. Phần hội lôi cuốn được sự tò mò của tất cả khán giả đến xem. Các trò diễn gồm: Trò tập trâu cày; Trò thi nấu canh trứng; Trò đi xúc cá. Sau mỗi trò diễn, các nghệ nhân lại xòe chá trong tiêng nhạc rộn ràng của chiêng, trống, bẳng bu.

Lễ Hết Chá của dân tộc Thái (ngành Thái trắng) bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu tổ chức mỗi năm 1 lần với quy mô lớn mang tính cộng đồng cao, được duy trì theo lối truyền thống được đông đảo bà con ủng hộ. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh đoàn kết xây dựng bản mường yên vui no ấm; Cũng là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình.

Lễ Hết Chá được tổ chức to hay bé là tùy thuộc vào điều kiện của thầy cúng và số lượng con nuôi ở các bản các mường. Vật chất cơ bản sử dụng các món quà của con nuôi mang đến. Thầy cúng chuẩn bị lợn và một khoản tiền mặt nhất định để cảm ơn mọi người, chúc phúc mọi người, theo phong tục gọi là gia lộc cho mọi người để năm mới làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, bản làng đoàn kết.

Việc tổ chức lễ hội được bà con chuẩn bị chu đáo cả về tinh thần, vật chất theo đúng quy trình, khoa học, không sảy ra sơ xuất gì. Không khí lễ hội trang nghiêm, không cầu kỳ, đủ thủ tục được bà con trong vùng ủng hộ. Sau lễ hội tinh thần của bà con rất sảng khoái, tập trung vào lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Phần lễ mang tính nhân văn sâu sắc giữa con người với con người, điều đó được thể hiện trong câu thơ phần kết "Ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn". Lễ hội Hết Chá còn mang nét đẹp trong văn hóa ứng xử, trong tình yêu đôi lứa, đây là dịp để trai gái tìm hiểu nhau, sau Hết Chá nhiều đôi trai gái đã trở thành đôi bạn trăm năm.

Phần hội, đã diễn được nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như đấu kiếm, nấu ăn, trâu cày, bắt cá...Tất cả các nội dung đều gắn liền với đời thực, với lao động sản xuất, với kinh nghiệm trồng lúa nước của dân tộc Thái từ xa xưa, đòi hỏi con người phải phát triển toàn diện. Ngoài ra còn răn dạy đạo lý làm người, sống thiện, trừ ác sẽ được người đời yêu mến.

Lễ hội Hết Chá là sinh hoạt văn hóa tâm linh, có một thời gian đã bị mai một, hiện nay đã và đang được khôi phục để phát huy nét đẹp truyền thống. Bên cạnh đó, Lễ hội còn phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương, sẽ thu hút đông đảo du khách đến với Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung.

Với những giá trị của Lễ hội Hết Chá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1