Lễ mừng cơm mới của người Lào ở Sơn La

Người Lào ở Sơn La chiếm 0,3% dân số toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở hai huyện: Sông Mã và Sốp Cộp. Cộng cư từ lâu đời cùng với cộng đồng người Thái và các dân tộc khác nhưng người Lào vẫn bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi mang đậm bản sắc tộc người, trong đó có Lễ mừng cơm mới.

Lễ mừng cơm mới gọi theo tiếng Lào là Kin khảu hó được coi là ngày tết lớn nhất trong năm, được tổ chức vào tháng 9 dương lịch (Rằm tháng Tám âm lịch và Rằm tháng 10 lịch Lào). Lễ mừng cơm mới có nhiều ý nghĩa: là lễ mừng lúa mới (trước đây chỉ gieo trồng một vụ nên được coi là mừng mùa vụ cả năm), lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có sức khỏe; lễ cúng giỗ những người đã khuất. Đặc biệt, đây là ngày tất cả con cháu trong gia đình trở về đoàn tụ, gặp mặt gia đình, dâng lễ lên tổ tiên, để hàng xóm, làng giềng gặp mặt, thăm hỏi nhau.

Lễ mừng cơm mới của người Lào có tên là Kin khảu hó, nghĩa là ăn cơm gói, xuất phát từ một hành động tương thân tương ái trong cộng đồng người Lào từ bao đời nay, trở thành một phong tục đẹp vẫn đang được giữ gìn và phát huy. Chuyện xưa kể lại rằng: trước đây, năm nào người Lào cũng tổ chức Lễ mừng cơm mới vào Rằm tháng Tám, là lễ cúng cho tổ tiên, những người đã khuất. Trong lễ này người ta đồ xôi, luộc một con gà hoặc 1 con vịt chặt làm tư, cùng với hoa quả để cúng. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để làm lễ cúng cơm mới. Vì quan niệm rằng ma nhà nào chỉ được vào nhà đó ăn mà thôi, không thể vào nhà khác nên nếu ma nhà này được ăn, ma nhà kia không được ăn sẽ tủi thân, nên họ nghĩ ra hình thức kín đáo mang mấy gói đồ lễ sang những nhà hàng xóm không có điều kiện để giúp họ có lễ mời ma nhà. Để chủ nhà không phải mang ơn, tủi hổ, người ta chỉ lên cầu thang, gõ nhẹ vào sàn nhà mấy tiếng và để vài gói lễ ở chân cầu thang, gia chủ nghe tín hiệu có thể biết là có người mang gói lễ sang cho nhà mình, sau khi ma nhà hưởng xong thì gia đình đó cũng sẽ thụ lễ. Có thể nói, việc cho gói đồ lễ một cách kín đáo này cũng rất tế nhị, nhân văn.

Để chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới, người ta phải chuẩn bị đồ lễ trước nhiều ngày đó là: gặt lúa non ngoài đồng về, phơi khô, giã làm cốm, đây là loại cốm già (khảu hang) dùng để đồ xôi lên dâng thần linh, ngoài ra còn xôi cơm nếp trắng (trước đây khi chỉ làm lúa một vụ ruộng hoặc nương, cứ đến tháng tám âm lịch là vào mùa gặt, người ta sẽ gặt lúa ngoài đồng về làm cơm mới luôn nhưng hiện nay, do làm lúa hai vụ nên để lại thóc cốm để dùng vào ngày lễ).

Quả để bày mâm cúng rất nhiều nhưng chỉ chọn loại quả nào sai quả, hoặc có nhiều hạt để tượng trưng, mong muốn cho mùa màng sẽ bội thu, cây cối sai quả như: Quả ổi, bầu, bí, mướp, nhãn, dâu da xoan, na, chuối, mía… bầu, bí, mướp được cắt thành miếng, xôi chín, các loại quả khác được rửa sạch, cắt hai đầu hoặc bẻ đôi ra.

Các loại thực phẩm gồm: một con gà, một con vịt luộc chín, chặt thành từng miếng nhỏ; các loại côn trùng có những đặc trưng về ưu điểm như ẩn nấp tốt, chăm chỉ, hoặc có sức sinh sản cao: dế mèn, nhái, ếch, cá trê, ong non… được xôi, sấy khô, cắt thành từng miếng, con ong non đồ chín.

Các loại rau: măng, rau cải…

Sau khi chế biến xong các loại lương thực, thực phẩm, người ta sẽ tiến hành gói bằng lá dong (khảu hó) để làm đồ lễ. Trong gói đồ lễ bao gồm một nắm nhỏ xôi cốm, một nắm nhỏ xôi trắng, một miếng thịt gà, một miếng thịt vịt, một vài con ong, một miếng con nhái, một miếng ếch, một con dế mèn, một miếng cá trê (người gói đồ phải nhớ để sau làm giám khảo cho cuộc thi đố vui)

Người ta sắp thành các mâm lễ gồm: các loại rau, củ, quả, hoa râm bụt, các gói (khảu hó); các mâm lễ được đặt ở các vị trí: một mâm ở bàn thờ tổ tiên để cúng tổ tiên; một mâm đặt ở giữa nhà để cúng giỗ người đã khuất; một mâm đặt trên chiếc ninh đồng ở góc bếp để cúng hồn ông chủ nhà; một mâm đặt ở bàn thờ ngoài vườn để cúng bên ngoại. Có nơi thêm mâm cúng chúng sinh đặt ở ngoài hành lang của ngôi nhà và mâm cúng bồ thóc đặt ở dưới gầm sàn. Số lượng đồ lễ được đặt theo đối tượng cúng, các đồ lễ đều đủ hết, chỉ căn cứ vào số gói "hó khẩu", mâm cúng tổ tiên đầy đặn nhất (gấp đôi các mâm cúng khác).

Người cúng thường là chủ nhà (đàn ông), nếu nhà không còn ông chủ hoặc không biết cúng thì có thể nhờ nhưng chỉ được nhờ họ hàng bên nội cúng giúp. Ông chủ nhà cúng lần lượt từ bàn thờ tổ tiên, cúng người đã chết, cúng bên ngoại rồi cuối cùng là cúng ở góc bếp.

Sau khi chuẩn bị đồ cúng xong thì gia đình tiếp tục chuẩn bị đồ ăn để tổ chức bữa cơm đoàn viên của gia đình.

Thường thì các gia đình tổ chức lễ cúng từ 10g sáng. Khi ông chủ nhà đã cúng xong, gia đình dọn cơm để cả nhà ăn, các mâm lễ vẫn để nguyên từ 1 -1,5h mới hạ lễ xuống. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu về đoàn tụ còn có những người khách được mời là bạn bè dân tộc khác, hàng xóm mời về ăn tết cơm mới cùng gia đình, mọi người ăn cơm, uống rượu hỏi thăm, chúc tụng nhau.

Bữa cơm diễn ra vui vẻ, đến thời gian hạ lễ, làm thủ tục mở gói Khảu hó. Tục mở gói có thể do ông chủ nhà chủ trì hoặc giao cho vợ chồng con trai, con gái chủ trì. Lễ mở gói chính là để hưởng lộc của tổ tiên và cùng tham gia cuộc thi đố vui. Khi vợ chồng người chủ trì bưng mâm lễ đến, cả mâm phải uống mỗi người hai chén rượu để mừng lễ lộc của gia chủ, sau đó lần lượt mọi người nhận 1 gói cho mình. Cuộc vui này bầu ra một người làm giám khảo, người này đã tham gia gói đồ lễ, biết được trong gói có những thứ gì, người này có thể ra câu đố là trong gói gồm bao nhiêu thứ, sau khi mở ra sẽ làm giám khảo để xem xét. Người chủ trì đặt ra luật lệ để uống rượu. Nếu người mở gói có đủ số lượng mà giám khảo quy định thì được uống một chén rượu mừng, nếu thiếu hoặc thừa thì phải uống 5 chén rượu phạt; nếu trong gói có một cái đầu gà hoặc vịt thì được uống 5 chén rượu thưởng; có 1 cái cánh thì được uống 3 chén, có 1 cái chân thì được uống 2 chén…đây là cách để cuộc vui kéo dài, cũng tùy vào mỗi nhà mà quy định thưởng, phạt số chén rượu khác nhau. Đây cũng là hình thức đố vui, vì theo cách này thì ai cũng được uống rượu phạt hoặc thưởng và tùy từng vùng, từng cuộc lại có cách đố khác nhau, chủ yếu để tạo không khí vui vẻ trong ngày đoàn viên.

Sau cuộc vui đó, các gia đình đi thăm nhau, cuộc vui kéo từ nhà nọ qua nhà kia đến cuối chiều mới kết thúc, không khí vui vẻ, tưng bừng ngày gặp mặt của các gia đình đã tạo nên tinh thần lễ hội đoàn kết, hân hoan cho cả bản.

Kin khảu hó là một lễ nghi đầy tính nhân văn của người Lào, hiện nay tuy phần nghi lễ đã được đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức đều đặn, có sức lan tỏa, ảnh hưởng nhiều đến các dân tộc khác, là một nghi lễ truyền thống cần được giữ gìn và phát huy./.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1