Nghi lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Sơn La

Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Dao ở Sơn La. Dù ở bất cứ ngành Dao nào, người đàn ông Dao đều trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đổi tên (đặt pháp danh - tên âm), được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan. Sau khi trải qua lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được cấp âm binh, được trao quyền làm thầy và được thờ cúng tổ tiên.

Thông qua nghi lễ cấp sắc, cộng đồng dân tộc Dao đề cao tính giáo dục luân thường đạo lý truyền thống đối với nam thanh niên Dao. Lễ cấp sắc được coi là một hoạt động tôn giáo mang nét văn hóa truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân bằng các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội trong cộng đồng các ngành Dao ở Sơn La bao gồm: Dao Đỏ, Dao Quần chẹt, Dao Tiền.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy tên gọi quá tang có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ tình tiết thắp đèn, nến soi sáng người thụ lễ trong tiến trình cấp sắc.

Việc cấp sắc tồn tại nhiều cấp bậc khác nhau: Cấp sắc 3, 7, hay 12 đèn. Sự phân biệt giữa những người cấp sắc ở bậc thấp và bậc cao, giữa nam giới và nữ giới khá rõ rệt. Trong đám chay, những người đã trải qua cấp sắc 12 đèn được làm "cầu" (tấm vải trắng 12 thước) để hồn về với Ngọc Hoàng và quê tổ, trong khi người cấp sắc 7 đèn, hồn được đưa về Giang Châu thượng, người cấp sắc 3 đèn, hồn được đưa về Giang Châu trung, hồn của người phụ nữ được đưa về Giang Châu hạ.

Tuổi của người được cấp sắc của người Dao ở Sơn La được quy định thống nhât ở các ngành Dao: Dao đỏ, Dao tiền và Dao quần chẹt cấp sắc 3 đèn cho những người đàn ông từ 10 tuổi trở lên. Người Dao tiền ở huyệnVân Hồ, Mộc Châu chỉ cấp sắc 12 đèn (Tẩu Sai) cho những người trưởng họ, cao tuổi nhất trong dòng họ.

Lễ cấp sắc của người Dao ảnh hưởng sâu sắc Đạo giáo, bên cạnh đó, nghi lễ này phản ánh sự ảnh hưởng của đạo Phật trong quan niệm và thực hành. Trong lễ cấp sắc, thầy cúng Tam nguyên phải mời Đức Quan âm đến chứng nhận cho người thụ lễ. Người được cấp sắc phải kiêng kỵ nghiêm ngặt, đặc biệt không được gần phụ nữ gần giống với việc cấm phá giới ở đạo Phật. Nội dung những điều răn rạy của người thầy cúng đối với người thụ lễ gần giống với những điều răn của nhà Phật.

Quan niệm, mục đích, ý nghĩa, vai trò của lễ cấp sắc cơ bản giống nhau ở các ngành Dao. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong các bước tiến hành nghi lễ lại có một vài khác biệt ở mỗi ngành Dao theo 3 hình thức thể hiện.

- Cấp sắc trong nhà được thực hiện ở các ngành Dao: Dao Tiền, Dao đỏ.

- Cấp sắc trong nhà, ra ngoài trời gọi Ngọc Hoàng xin chứng giám sự trưởng thành cho người được cấp được thực hiện ở ngành Dao Quần chẹt.

Về trình tự của lễ cấp sắc có sự khác biệt ở các ngành Dao và ở các địa phương khác nhau. Nhìn chung, các nhóm Dao đều thực hiện các bước như sau:

* Công việc chuẩn bị:

- Đặt tên:

Tùy theo độ tuổi, nhưng khi sinh ra người con trai mới chỉ được đặt tên tạm, khi làm lễ cấp sắc (hoặc làm lễ trưởng thành) mới được đặt tên chính thức. Tên đó chỉ dùng khi đi làm thầy cúng và được gọi tên khi cúng ốm đau và khi đã trở về với tổ tiên.

- Xem tuổi, thời gian tổ chức lễ cấp sắc.

- Tiến hành các thủ tục mời thầy cúng làm lễ cấp sắc.

* Diễn biến:

- Lập đàn cúng.

- Mời thần thánh, tổ tiên.

- Trình báo nội dung lễ cấp sắc.

- Cấp đèn, cấp sắc.

- Răn dạy.

- Tạ ơn thần thánh, tổ tiên.

Trong quá trình thực hành lễ cấp sắc, thầy cúng sử dụng một số nhạc cụ, đạo cụ trong một số nghi lễ nhất định. Ngoài trang phục của thầy cúng và con thầy, trong lễ cấp sắc không thể thiếu như tranh thờ, sách cúng, vải trắng, thanh âm dương, dấu gỗ, tích trượng, đèn, nến. Nhạc cụ gồm có trống, thanh la, nạo bạt, chiêng, tù và, chuông.

Lễ cấp sắc phản ánh một tập quán xã hội, không chỉ là sự kiện quan trọng của một gia đình, dòng họ, mà là sự kiện của cả cộng đồng người Dao ở Sơn La. Thông qua lễ cấp sắc, các thành viên trong mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng Dao có dịp nghe lại lịch sử của gia đình, dòng tộc, hiểu hơn về nguồn cội, ghi nhớ công ơn tổ tiên, cha ông từ đó tự điều chỉnh mình, sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, dòng tộc.

Lễ cấp sắc chính là sự tích hợp những giá trị văn hoá nghệ thuật đặc trưng của người Dao, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.

Lễ cấp sắc dân tộc Dao có giá trị ở khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao. Với những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền nhiều đời nay, nghệ thuật biểu diễn là một trong những bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Dao.

Cấp sắc là một nghi lễ có tính kế thừa những di sản văn hoá của người Dao nói chung và người Dao Sơn La nói riêng, dưới sự bảo trợ của những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Do vậy, lễ cấp sắc không chỉ đơn thuần là nghi lễ tôn giáo mà còn chứa đựng những thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá tộc người, văn hoá địa phương.

Lễ cấp sắc luôn được người Dao gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lễ cấp sắc dân tộc Dao tỉnh Sơn La, được đồng bào dân tộc Dao tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên và Quỳnh Nhai đồng thuận đề cử và cam kết bảo vệ, xứng đáng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lâu dài.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Sơn La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể năm 2016.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1