LỜI GIỚI THIỆU GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SƠN LA
Thứ Hai, 06/11/2023
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Khi cách mạng tháng 8 thành công và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa thành lập, giữa bao bộn bề chống thù trong giặc ngoài nhưng Đảng và Nhà nước luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trung ương bổ nhiệm các uỷ viên giáo dục các tỉnh để nhanh chóng triển khai các chính sách về giáo dục tới các địa phương. Tại tỉnh Sơn La, đồng chí Hà Văn Án được bổ nhiệm làm Ủy viên Giáo dục vào tháng 11/1945. Tháng 02/1946, Ban Bình dân học vụ tỉnh Sơn La được thành lập đồng chí Hà Văn Án được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Ban Bình dân học vụ đi vào hoạt động với rất nhiều khó khăn về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất trường/lớp/học nhưng toàn ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Từ năm 1955 đến năm 1962, Ty Giáo dục Khu tự trị Thái - Mèo do Đồng chí Lò Văn San làm Trưởng ty. Tháng 10/1962 Khu ủy, Ủy ban hành chính tổ chức Hội nghị chuẩn bị cho công tác thành lập Ty Giáo dục Sơn La, định hình về biên chế, tổ chức cơ quan và trụ sở cơ quan được xây dựng 2 tầng tại đồi Khau Cả. Ty Giáo dục Sơn La được thành lập với 16 cán bộ, chuyên viên, đồng chí Hoàng Sáy - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban hành chính khu được bổ nhiệm làm Trưởng ty, các đồng chí Hà Văn Án, Đậu Mạnh Trường được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty; có 3 Tổ chuyên môn: Phổ thông, Bình dân học vụ và Mẫu giáo. Ty Giáo dục Sơn La trực tiếp quản lý 01 trường cấp 3 (Trường cấp 3 Tô Hiệu) và quản lý chuyên môn, nghiệp vụ với 7 phòng giáo dục huyện, thị.
Thời điểm tái lập tỉnh Sơn La, toàn bộ hệ thống giáo dục của tỉnh có 127 trường phổ thông (106 trường cấp I với 406 lớp, 20 trường cấp II với 46 lớp và 1 trường cấp III có 2 lớp). Về cơ sở vật chất, chỉ có Trường cấp III Tô Hiệu được xây dựng bằng gạch ngói, các trường cấp I, II đều là tranh tre, nứa lá. Tổng số cán bộ, giáo viên có 729 người, trong đó giáo viên cấp I có 560 người (hầu hết là đào tạo cấp tốc 4+1; 4+3); giáo viên cấp II có 104 người; giáo viên cấp III có 8 người; 09 giáo viên thể dục, nhạc, họa và kỹ thuật nông nghiệp; 48 cán bộ, quản lý (gồm cả Ty Giáo dục và phòng giáo dục các huyện, thị). Tổng số học sinh phổ thông có 9.210 em. Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, toàn tỉnh có 53 lớp mẫu giáo với 952 học sinh. Hệ thống Bình dân học vụ được duy trì ở cả 7 huyện, thị.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, năm 1983 Ty Giáo dục đổi tên thành Sở Giáo dục và đến năm 1990 đổi tên thành Sở Giáo dục và Đào tạo. Đến tháng 3/2025, Sở GD&ĐT có 54 công chức, 05 nhân viên. Trong đó, Tập thể lãnh đạo Sở có 05 đồng chí (Giám đốc và 04 Phó Giám đốc); có 7 phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra và Văn phòng.
Năm 2025, tỉnh Sơn La có 608 trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó: 228 trường mầm non; 98 trường tiểu; 143 trường liên cấp tiểu học và THCS; 81 trường THCS; 02 trường THCS & THPT; 02 trường TH, THCS & THPT; 12 trường PTDTNT, 29 Trường THPT; 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 Trung tâm hỗ trợ phát triển dục hòa nhập cấp tỉnh.
Toàn tỉnh có 376.607 trẻ và học sinh, cấp học mầm non có 84.107 trẻ (16.003 trẻ nhà trẻ; 68.104 trẻ mẫu giáo), cấp tiểu học có 139.489 học sinh, cấp THCS có 109.149 học sinh, cấp THPT có 36.231 học sinh, giáo dục thường xuyên có 7.631 học viên, giáo dục hòa nhập cho nhiều trẻ em và học sinh khuyết tật.
Tổng số cán bộ, quản lý giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo là 23.546 người (1.669 cán bộ quản lý, 19.945 giáo viên, 1.932 nhân viên). Có 19.879/21.614 cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, đạt tỷ lệ 91,97% (cấp học mầm non đạt tỷ lệ 95,26%; cấp tiểu học đạt tỷ lệ 87,34%; cấp THCS đạt tỷ lệ 95,62%; cấp học THPT đạt tỷ lệ 100%; GDTX đạt tỷ lệ 100%).
Trên chặng đường 80 năm lịch sử từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã liên tục phát triển, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng nền giáo dục cách mạng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đưa Sơn La từ một tỉnh có đại bộ phận nhân dân mù chữ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở thành một tỉnh có vị thế quan trọng trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam: Xếp thứ 12/63 tỉnh, thành về đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2; trên 73% số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế tích hợp IMS ISO 9001:2015 và ISO 21001:2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La được tổ chức chứng nhận quốc tế French Cert, Vương quốc Anh đánh giá và cấp chứng chỉ ngày 22/01/2021; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La là đơn vị đầu tiên trên cả nước đạt Giải thưởng “Thực hành chất lượng xuất sắc châu Á năm 2022” (công bố tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2022), đạt Giải khuyến khích “Giải thưởng thực hành chất lượng bền vững” của Viện Hàn lâm chất lượng thế giới (IAQ) (công bố tại tại Wiscosin, Hoa Kỳ tháng 12/2022), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận thành phố Sơn La là thành viên trong mạng lưới các “Thành phố học tập toàn cầu” (tháng 02/2024), Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La vươn mình ghi tên cùng với giáo dục của các nước phát triển trên bản đồ giáo dục thế giới, tỉnh Sơn La trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực Tây Bắc và các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào. Nhiều học sinh đã đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, trong đó 2 Huy chương Vàng Quốc tế, 1 Huy chương Vàng Châu Á, 1 Huy chương Bạc Châu Á, 1 huy chương bạc thế giới, 1 học sinh THPT đạt giải 3 Chung kết đường lên đỉnh Olympia 2022 lần thứ 22. Sơn La trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực Tây Bắc và các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào. Từ cái nôi của nền giáo dục và đào tạo cách mạng, hàng chục vạn con em đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã trưởng thành, trở thành những công dân “có đức, có tài” tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Những thành quả to lớn đã đạt được trong chặng đường 80 năm lịch sử của Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La (1945-2025) là do có đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La, trong mỗi giai đoạn cách mạng, đã có những chủ trương, định hướng, quyết sách đúng đắn trong chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo. Thành quả ấy cũng là kết quả của sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, sự ủng hộ, chăm lo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là tinh thần quyết tâm, cố gắng vượt khó, sáng tạo, cống hiến “tất cả vì học sinh thân yêu” của các cơ quan quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo và nỗ lực học tập, rèn luyện của các thế hệ học sinh trong tỉnh. Thành tựu đó là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đường lối của Đảng./.