CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NHÀ TRƯỜNG THPT CHIỀNG SINH

 THAM LUẬN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NHÀ TRƯỜNG

Như chúng ta đã biết, trên thế giới đã có 4 cuộc cánh mạng về KHKT: Trong đó, ba cuộc cách mạng đã qua là cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa - là máy móc thay lao động chân tay. Còn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thông minh hóa, là máy móc thay lao động trí óc.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư là sự sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng.

Trước những thay đổi vô cùng to lớn và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực.

 Vậy Chuyển đổi số là gì?

anh tin bai


1. Chuyển đổi số là gì?

- Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

  • Chuyển đổi số trong giáo dục được hiểu như thế nào?

Chuyển đổi số trong giáo dục là việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động dạy học. Mục đích: Nâng cao chất lượng giảng dạy và trải nghiệm đào tạo mới cho người học. Giúp việc tiếp thu kiến thức không còn nhàm chán, khuyến khích thay đổi quan điểm về chất lượng giáo dục hiện tại.

2. Thực trạng chuyển đổi số hiện nay trong trường THPT Chiềng Sinh

2.1. Ưu điểm

- Hiện nay, 100% Hồ sơ sổ sách của nhà trường đều được quản lý trên các nền tảng số: 100%  văn bản đến và đi được quản lý trên hệ thống Phần mềm QLVB sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu chính phủ cấp (Toàn bộ BGH, Văn thư, Kế toán, tổ trưởng, tổ phó của các tổ chuyên môn và các trưởng các tổ chức đoàn thể khác đều có chữ ký số. Tiến tới nhà trường xin cấp tiếp cho các giáo viên còn lại).

Nhà trường đã sử dụng phần mềm Smas và Edoc để quản lý Thời khóa biểu, Lịch báo giảng, Sổ đầu bài, kế hoạch nhà trường, kế hoạch tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên, Sổ điểm, sổ đăng bộ và học bạ của học sinh; Đầu tư lắp đặt mạng Wifi có tốc độ cao phủ sóng cho toàn bộ khuôn viên, lớp học và nhà làm việc; Đầu tư mua sắm ti vi, máy chiếu cho 100% các lớp học để giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn. Nhà trường có Bảng tương tác thông minh lắp đặt trên 01 lớp học để giáo viên và học sinh khai thác, sử dụng. Nhà trường có 01 Đ/c trong BGH trực tiếp quản lý và quản trị về CNTT nên thuận lợi trong việc triển khai đến CBGV, thuận lợi trong việc thống kê, báo cáo. Hiện nhà trường đang sử dụng và mua bản quyền Office 365 để khai thác các tính năng mới của Office, lưu trữ tài liệu cho CBGV và nhà trường (Mỗi CBGV có 1TB để lưu trữ tài liệu tương đương với 02 ổ cứng 500GB), đặc biệt Office có công cụ MS Teams dùng để dạy học online khi có dịch Covid. Nhà trường đã mua cho mỗi giáo viên một phần mềm chấm thi trắc nghiệm (TN Maker Pro) có bản quyền để dùng trong dạy và học. Hàng năm, khi giáo viên đề xuất, nhà trường đều mua học liệu (Bản điện tử) cho các bộ môn để ôn thi tốt nghiệp cho học sinh hiệu quả hơn.

Nhà trường kết hợp tốt với Công an để cấp cấp thẻ CCCD cho toàn bộ 100% học sinh trong nhà trường và xác thực, đồng bộ mã định danh cá nhân học sinh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; Kết hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La để cài đặt App VssID bảo hiểm xã hội cho học sinh (hiện tỉ lệ học sinh nhà trường cài đặt thành công app VssID đang đứng đầu tỉnh trong khối trường THPT).

2. 2. Tồn tại, khó khăn, bất cập

- Chuyển đổi số trong quản lý

+ Hiện nay Học bạ điện tử chưa triển khai được 100% (do chưa có văn bản chính thống chấp thuận loại học bạ này).

+ Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen: Nhiều giáo viên rất ngại thay đổi và học tập về công nghệ. Cứ thấy cái mới là ngại và khi thấy ngại rồi thì tư tưởng và tinh thần không sẵn sàng tiếp thu cái mới, do đó chậm lĩnh hội về công nghệ; Việc học tập về công nghệ hiện nay đều do các giáo viên tự mày mò học hỏi, chưa được hỗ trợ và tham gia các khóa đào tạo cơ bản chính thống. Vì vậy, nó phụ thuộc vào sự tâm huyết và nhiệt huyết của người phụ trách Công nghệ thông tin là chính.

+ Việc chuẩn hóa dữ liệu trên phần mềm Smas sang CSDL ngành đang còn gặp khó khăn do Smas chưa chuẩn hóa hết dữ liệu từ Smas sang CSDL và quy định về dữ liệu của 2 bên có sự khác nhau.

  • Chuyển đổi số trong dạy học:

+ Vấn đề về học liệu số (Các bài giảng số để cho người học tự học, tự kiểm tra, đánh giá) chưa được quan tâm và triển khai (do thực tế các nhà trường đều đang dạy trực tiếp trên lớp nên không quan tâm đến vấn đề này).

+ Năng lực ứng dụng CNTT của đội ngũ giáo viên trong dạy học còn hạn chế.

3. Giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số

Để chuyển đổi số có hiệu quả, nhà trường xác định cần thực hiện tốt một số công việc sau:

  1. Cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.
  2. Cần bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
  3. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
  4. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục: Cần chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục và từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý.
  5. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy – học, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.
  6. Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
  7. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh.
  8. Xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới. Có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội.
  9. Hoàn thiện về hệ thống pháp lý, thống nhất các quy định về: Khai thác và chia sẻ dữ liệu; Hình thức trong giảng dạy; Quản lý hiệu quả khóa học trực tuyến; Ứng dụng các phần mềm quản lý.
  10. Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, trong đó ưu tiên một số dịch vụ:

         + Dịch vụ đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến và Dịch vụ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mức độ toàn trình.

           + Dịch vụ trực tuyến về đăng ký, xét tuyển học sinh đầu cấp và Dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ, hướng tới triển khai ở mức độ toàn trình.

           + Đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt./.

 

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SƠN LA

Chịu trách nhiệm quản lí nội dung nội dung: Quàng Văn Lâm - Phó Giám đốc, Trưởng Ban biên tập. ĐT: 0912360581. Email: vanthusogiaoducsonla@gmail.com.vn 

- Số điện thoại Thanh tra Sở: 02123.854.173. - Số điện thoại Chánh Văn phòng Sở: 02123.852.352.

Bản quyền thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ghi rõ nguồn "https://sogiaoduc.sonla.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ websie này

 Designed by VNPT